Còn chưa đầy nửa tháng sẽ kết thúc năm tài chính 2020 và bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng phần nào lộ ra với nhiều điểm sáng so với các ngành khác dù chịu tác động nặng của Covid-19.
Cụ thể, đến hết 30/11, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng An Bình đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng 101% kế hoạch năm nay. Ngân hàng Á Châu (ACB) hết tháng 11/2020, lãi trước thuế lũy kế 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Trong khi đó, VIB đến hết tháng 10 năm nay, lợi nhuận trước thuế là 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Sacombank sau 10 tháng cũng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm…
Trước đó, theo thống kê 3 quý đầu năm, nhiều ngân hàng cũng giữ được nhịp tăng trưởng lợi nhuận. Khảo sát 26 ngân hàng cho thấy mức tăng lãi sau thuế đạt 76.273 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có đến 16 trong số 26 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với 9 tháng đầu năm 2019.
Với kết quả này, các chuyên gia nhận định, năm 2020, nhiều ngân hàng vẫn có doanh thu và lợi nhuận lớn, thậm chí có mức lãi cao nhất lịch sử, bất chấp dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao, giảm không đáng kể hoặc chỉ giảm trong một số nhóm ưu đãi nhỏ, đi kèm điều kiện vay cao, dù lãi suất huy động đã hạ rất sâu.
Ngoài ra, TS. Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP HCM phân tích thêm, doanh thu ngân hàng năm 2020 sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực.
Theo ông, số doanh nghiệp nằm trong diện phải cơ cấu lại nợ theo quy định của Thông tư này là nhỏ. Thêm nữa, thời gian tối đa hiệu lực của Thông tư 01 chỉ là 12 tháng nên nếu tính từ lúc đại dịch xảy ra đến nay, tình trạng nợ đã gần như rõ ràng trong quý III/2020.
Các doanh nghiệp trụ được qua lần tác động đầu của đại dịch cũng đã tiếp tục vòng quay vay và trả nợ. Theo ông Chí, tới thời điểm này dòng tiền đã quay trở lại chu kỳ bình thường.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm nay khách hàng chống chọi với Covid-19, nên lợi nhuận về tổng thể sẽ suy giảm nhẹ, trong đó có phần hỗ trợ qua giảm lãi suất và phí dịch vụ…
Ngoài ra, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2020 khả năng sẽ điều chỉnh giảm do các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Chẳng hạn với lát cắt chi phí trích lập dự phòng nói trên, mặc dù tổng lợi nhuận trước dự phòng 3 quý đầu năm vẫn tăng trưởng khoảng 11,5%, nhưng tổng lợi nhuận sau đó sẽ sụt giảm vài phần trăm so với cùng kỳ 2019. Mức suy giảm đó trở nên chênh lệch lớn khi so với mức tăng trưởng tới 32,8% cùng kỳ năm trước đạt được.
Lợi nhuận năm tới tiếp đà tăng trưởng nhờ chính sách tài khóa
Dự báo về triển vọng kinh doanh của ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải theo dõi diễn tiến tình hình dịch Covid-19 vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước phương Tây.
Thêm vào đó, tình hình bầu cử ở Mỹ và những diễn biến tiếp theo có thể gây khủng hoảng cho nước này trong những tháng tới, gián tiếp làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ không thể tránh được tác động tiêu cực chung từ bên ngoài.
Điểm sáng cho Việt Nam , theo ông Hiếu, nằm ở việc các quốc gia hầu như sẽ thực thi nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong xu hướng như vậy, các gói kích thích tiêu dùng, nhập khẩu sẽ tạo đà tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam vốn dựa vào xuất khẩu và là cú hích tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm tới.
Những chiến lược phát triển để tăng thu trong năm 2021 của các nhà băng, được giới chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của chính sách tài khóa cần xét đến đầu tiên.
Với quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 6% trong năm tới, TS. Lê Đạt Chí cho rằng chính sách tài khóa sẻ mở ra những lĩnh vực kinh doanh mới cho ngành ngân hàng. “Một trong số đó là đầu tư chi tiêu công cho các đô thị trọng điểm, giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hoạt động kinh doanh, vay vốn của các nhà thầu”, ông nói.
Ngoài ra, trong báo cáo mới đây của VNDirect, nhóm chuyên gia của công ty này giả định nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý 4/2020 và năm 2021. VNDirect dự báo năm 2020 tín dụng tăng trưởng khoảng 9% và năm 2021 tầm 13-14%.
Do đó, các ngân hàng có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các nhà băng phục hồi trong năm 2021, dù ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý các nhà băng trong năm sau cần tiếp tục củng cố quản trị rủi ro đối với những khoản cho vay tồn đọng. Bên cạnh đó, là tính đến cải tiến cách vận hành để định vị và thêm vào những khách hàng mới, sẽ xuất hiện nhờ những ưu đãi trong chính sách vĩ mô đối với nền kinh tế.