Chắc hẳn, chúng ta không còn quá xa lạ với các chương trình Flash Sale* 1K của các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada. Các đợt Flash Sale với các sản phẩm trị giá 1.000VND luôn tạo ra sự quan tâm, thích thú, thậm chí còn được biết đến như một trào lưu của người mua hàng trực tuyến hiện nay. Nhiều người cảm thấy thích thú khi khoe những chiến tích “săn sale 1K” trên mạng xã hội, và sẵn sàng “canh” đến đợt giảm giá tiếp theo để thoả sức mua sắm. Đồng thời, không khó để thấy có rất nhiều cộng đồng, website, diễn đàn hiện nay liên tục chia sẻ bí quyết săn sale 1K.
*Theo HubSpot, Flash Sale là một chương trình giảm giá hoặc khuyến mãi ngắn hạn, chỉ kéo dài trong vòng 24 giờ đồng hồ do các gian hàng trên kênh TMĐT tổ chức để bán một số sản phẩm. Mục tiêu của Flash Sale là lôi kéo người mua hàng, tăng nhận thức thương hiệu, đồng thời “thuyết phục” người mua hàng xem các sản phẩm không được giảm giá khác trên website.
Vậy thực tế, người bán được lợi gì từ các đợt Flash Sale?
Theo Zing, các đơn hàng 1.000VND (1K) không gây lỗ cho người bán. 1.000VND chỉ là giá mà người mua hàng phải trả, còn số tiền thực mà người bán nhận lại cho mỗi món hàng cao hơn và phụ thuộc vào việc thương lượng với các sàn thương mại điện tử. Thực tế, người bán còn nhận được những lợi ích sau khi tham gia các chương trình deal 1K.
Thứ nhất, việc tham gia deal 1K sẽ giúp gian hàng tăng lượng truy cập tự nhiên, lượt theo dõi và tạo ưu thế trên sàn thương mại điện tử. Vì khách hàng thường bị ấn tượng bởi những mức giá bán hấp dẫn, “hạt dẻ” như 1.000VND nên sẽ nhanh chóng truy cập vào website của gian hàng, rồi tham khảo các mặt hàng khác không giảm giá. Theo Zing, lượng truy cập của gian hàng mỗi khi tham gia deal 1K tăng đáng kể, nhờ vậy mà chủ gian hàng bán được thêm các sản phẩm khác.
Áo phông, ốp điện thoại, vỏ gối, tất chân, miếng dán cường lực… là những mặt hàng có giá chỉ 1.000 đồng trong chương trình Flash Sale
Ảnh chụp màn hình
Đồng thời, khi lượt theo dõi tăng, sẽ làm cho mức độ uy tín và sức ảnh hưởng của gian hàng tăng lên, càng thúc đẩy mức độ ghé thăm của người dùng nhiều hơn. Đồng thời, khi càng nhiều khách hàng theo dõi và mua hàng thì số lượng đánh giá cho gian hàng cũng tăng theo. Tuy nhiên, nếu sản phẩm kém chất lượng, gian hàng sẽ bị đánh giá thấp, theo Zing.
Thứ hai, việc áp dụng các chương trình khuyến mãi 1K cũng giúp các gian hàng giải quyết được vấn đề hàng tồn kho. Thậm chí, nhiều gian hàng sau khi được trợ giá từ sàn thương mại điện tử còn thu lãi trực tiếp. Một chủ shop về thời trang chia sẻ đã từng tham gia chương trình “deal 1K” của Shopee với mặt hàng là dây thun buộc tóc, “sau khi được sàn hỗ trợ 7.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí đóng gói, mức lãi tôi nhận được khoảng 2.000 đồng/sản phẩm”. Tuy nhiên, điều kiện tham gia chương trình này là các gian hàng phải có thời gian hoạt động dài, doanh số cao, có nhiều đánh giá tích cực, độ tin cậy cao…
Vậy, sản phẩm 1K có thực sự đảm bảo chất lượng?
Chất lượng của các sản phẩm 1K này là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và tạo ra rất nhiều hoài nghi. Thực tế, vẫn có rất nhiều sản phẩm chất lượng được bán ra, nhưng người mua phải có kinh nghiệm, “bí kíp” săn sale thì mới mua được. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người cho biết “một số hàng đồng giá 1.000 đồng săn được trên các sàn thương mại điện tử là hàng tồn, hàng kém chất lượng”, theo Zing.
Một người dùng khoe mua được gần 30 chiếc ốp và giá đỡ điện thoại trong một đợt săn “deal 1K”
Ảnh: Nguyễn Hoàng Mai
Hay tệ hơn, không ít người chỉ nhận lại được gạch, đá hay thậm chí là viên kẹo. Điều này gây ra không ít những bức xúc, thất vọng của người mua hàng. Điển hình là nhiều người dùng còn phản ánh lên mạng xã hội việc mua các đơn hàng khuyến mãi 1.000 đồng như ốp lưng điện thoại… chỉ nhận về những viên đá gói trong hộp bìa. Những hành động gian đối này của gian hàng còn làm xấu đi hình ảnh của chính mình, làm mất lòng tin của người mua, vô tình làm hại đến các chương trình Flash Sale của cả sàn thương mại điện tử nói chung.
Ngoài ra, dù giá trị món hàng chỉ là 1.000 đồng, nhưng người mua vẫn phải trả thêm phí giao hàng rất cao để có được sản phẩm, đôi khi, con số này còn cao hơn giá trị thật của món hàng đó. Và việc ồ ạt săn sale 1K còn tạo ra sự lãng phí nhất định. “Nhiều người chỉ thích mua vì rẻ chứ chưa chắc đã sử dụng đến chúng, nên chỉ làm phí tiền, phí thời gian”, chia sẻ của một người mua hàng với Zing.
Nguồn: BrandsVietNam