Nếu như trước đây, những loại vật liệu thay thế nhựa vẫn còn là một khái niệm của tương lai, thì giờ đây, đại dịch cùng những vấn đề môi trường hiện hữu đã khiến giải pháp này đến gần hơn trong hiện tại.
Tại Việt Nam, sự ra đời của nhựa sinh học từ cà phê và những ứng dụng vô cùng thực tế đã mở ra một hướng đi đầy kì vọng trong mục tiêu bảo vệ môi trường, vì một thế giới “không plastic”.
Nếu trên thế giới đã có Kaffee Form (Đức), Huskee (Úc), Việt Nam cũng nhập cuộc phát triển nhựa sinh học cà phê
Thời gian gần đây, ngành nhựa Việt Nam là một trong các ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ (đạt 17,5% giai đoạn 2011-2020, chỉ sau ngành viễn thông và dệt may). Với quan điểm phát triển đạt hiệu quả cao và bền vững, một số công ty đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế như nhựa phân huỷ sinh học (NPHSH) để ứng dụng vào những sản phẩm quen thuộc hàng ngày như túi nilon, găng tay, dao, nĩa, ống hút, màng nông nghiệp, ly tách… trong nước lẫn xuất khẩu.
Dù hiện nay tỷ trọng NPHSH so với tổng lượng nhựa sử dụng ở Việt Nam vẫn còn thấp, thế nhưng trong thời gian gần, tiềm năng của vật liệu này sẽ vô cùng phát triển, bởi đáp ứng nhu cầu “cấm nhựa” trên thế giới. Đây không chỉ là phong trào để kêu gọi mà đã đưa vào chính sách tại một số quốc gia, đơn cử như Chính phủ Úc đã cấm sử dụng túi nhựa vào năm 2011, Vancouver cũng trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Canada cấm ống hút nhựa, trong khi Liên minh Châu Âu đã thông qua lệnh cấm đối với một số loại nhựa sử dụng một lần, có hiệu lực từ tháng 7/2021.
Trong nhiều loại nguyên liệu dùng để sản xuất nhựa sinh học như gạo, khoai, bã mía… thì cà phê cũng là một lựa chọn nổi bật, bởi ưu thế của Việt Nam là nguồn cà phê dồi dào, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Ưu thế này giúp việc tổng hợp hạt nhựa sinh học cà phê rẻ hơn so với các quốc gia khác và tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn về sản xuất loại vật liệu thân thiện, nhằm cung cấp thị trường trong và ngoài nước.
Nếu như trên thế giới đã có Kaffee Form (Đức), Huskee (Úc) ra mắt những sản phẩm làm từ cà phê thì hiện nay, công ty Veritas Việt Nam cũng đã tiên phong đưa vào ứng dụng loại NSHPH cà phê như một đóng góp đầy ý nghĩa vào lộ trình kết thúc kỷ nguyên nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Founder bước ra từ Shark Tank mùa đầu và sáng tạo chiếc khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới
Được biết, Veritas Việt Nam được sáng lập bởi founder Thanh Lê – doanh nhân trẻ bước ra từ Shark Tank mùa đầu và sáng tạo chiếc khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới. Trong đó, nguyên liệu mới của Veritas giới thiệu trong thời điểm hậu COVID-19 trở nên vô cùng ý nghĩa, bởi tình trạng khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng và tác động tiêu cực đến môi trường của các sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, từ thực tế nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam đang dần hao hụt đơn hàng đi Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do lệnh cấm nhựa, thì hạt nhựa sinh học cà phê này sẽ trở thành lựa chọn thay thế khả thi. Khi sản xuất ở quy mô đủ lớn, giá thành hạt nhựa sinh học cà phê thậm chí sẽ cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh. Hiện tại, sản phẩm từ hạt nhựa sinh học cà phê coffee bio-composite cũng đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Đức, Nhật theo tiêu chuẩn “cấm nhựa” của mỗi quốc gia. Cụ thể ở Pháp và một số nước Châu Âu, các sản phẩm dùng một lần làm từ nhựa cần đạt tối thiểu 50% thành phần sinh học. Nguyên liệu đầy sáng tạo và thân thiện này cũng tập trung vào mục tiêu phục vụ các nhà máy nhựa, giúp họ tạo ra sản phẩm thay thế khi có lệnh cấm nhựa chính thức.
Theo ông Thanh Lê, để làm nguyên liệu, bã cà phê từ các quán cà phê địa phương ở Việt Nam được thu gom, sấy khô và trộn với các nguyên liệu tái chế, tinh bột, cellulose, gỗ, nhựa tự nhiên, sáp và dầu. Khi đó, hỗn hợp cà phê thu được có nguồn gốc sinh học, có thể tái chế, nhẹ, có mùi cà phê và trông giống như gỗ sẫm màu.
“Do vật liệu mới bao gồm thành phần có nguồn gốc thiên nhiên nên tính cạnh tranh cao hơn so với nhựa truyền thống. Với giá thành tương đương nhựa gốc dầu khi sản xuất quy mô lớn, kèm đặc tính bảo vệ môi trường, hạt nhựa sinh học cà phê được kỳ vọng sẽ giúp ngành nhựa Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu, đồng thời giúp Việt Nam giảm đi sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch”, ông Thanh Lê chia sẻ.
Việt Nam là nơi tốt và lý tưởng nhất để Veritas sản xuất loại hạt nhựa sinh học cà phê đầu tiên trên thế giới
Theo nghiên cứu hiện tại, Việt Nam là nơi tốt và lý tưởng nhất để Veritas sản xuất loại hạt nhựa sinh học cà phê đầu tiên trên thế giới này.
“Khi quyết định thiết kế một vật liệu mới vào năm 2020, chúng tôi đã sớm biết rằng chúng tôi muốn có một giải pháp sử dụng vật liệu địa phương và chi phí hợp lý, với điểm cộng là có thể phân huỷ sinh học bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Hiện tại, nguồn thu gom của Veritas chính là tận dụng nguyên liệu bã cà phê của thương hiệu Starbucks và các chuỗi cà phê ở Sài Gòn”, ông Thanh Lê nhấn mạnh.
Đại diện nhóm nghiên cứu, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng cho biết thêm, hàng tỷ loại nhựa dùng một lần không chỉ gây ô nhiễm vỉa hè thành phố mà còn có khả năng xâm nhập vào nguồn nước.
“Tình trạng này thật sự cấp bách và cần có một phương án thân thiện với môi trường để tránh tác động lớn đến môi trường của chúng ta. Vật liệu đã được hoàn thiện trong phòng thí nghiệm, việc chuyển sang sản xuất và mở rộng quy mô tối ưu chi phí đã sẵn sàng từ tháng 6 năm nay”, vị đại diện này khẳng định.
Đại diện này cũng trích dẫn một nguyên cứu khoa học cho thấy, cuộc cách mạng về vật liệu NSHPH cà phê không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế nhựa sử dụng một lần mà còn hạn chế việc xử lý bã cà phê không đúng cách dẫn đế giải phóng khí mê-tan – chất gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 28 lần so với carbon dioxide.
Đứng trước hành trình đầy thử thách sau thời gian nghiên cứu kéo dài, Veritas cũng đã lên kế hoạch cho mục tiêu kinh doanh hàng loạt, với kì vọng tạo thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa cà phê như khẩu trang, ly, bút viết, chén ăn… cho các thương hiệu doanh nghiệp cũng như đa số người dân đô thị.
Trước khi vật liệu nhựa sinh học cà phê được giới thiệu, Veritas đã đạt được thành công đáng kể khi bán hàng trăm nghìn chiếc AirXCoffee mask, khẩu trang cà phê đầu tiên thế giới từ Việt Nam xuất khẩu ra hơn 50 quốc gia khác.
Nguồn: brandsvietnam