Ngày 22/12/2020, MMA webinar diễn ra với chủ đề ‘Toàn cảnh Di Động tại Việt Nam 2019 – 2020’. Buổi giao lưu thuộc khuôn khổ webinar series của MMA Việt Nam nhằm bổ trợ thông tin và kiến thức hữu ích về tiếp thị di động cho các thương hiệu và nhà tiếp thị. Webinar lần này cung cấp báo cáo về tình hình và xu hướng tiếp thị di động giai đoạn 2019 – 2020 cùng một số lưu ý quan trọng từ chuyên gia.
Webinar gồm 2 phần trình bày: Toàn cảnh nền tiếp thị di động và Xu hướng nổi bật giai đoạn 2019 – 2020. Sau đây là sơ lược một vài nội dung giá trị của buổi giao lưu.
Phần 1: Bức tranh tổng quan của nền tiếp thị di động
Mở đầu webinar, bà Trần Thị Thanh Mai – Tổng Giám đốc của Kantar Media, chia sẻ sơ lược các số liệu trọng tâm về hệ sinh thái di động tại Việt Nam. Dựa vào đó, nhà tiếp thị có cái nhìn bao quát về cách thức hoạt động của người dùng trên nền tảng trực tuyến, và đưa ra chiến lược tiếp cận hiệu quả.
Thứ nhất, hoạt động online diễn ra nhiều nhất trên dịch vụ tin nhắn nhanh. Trong đó, Facebook Messenger, Zalo, và Instagram là 3 dịch vụ phổ biến được người Việt sử dụng. Mạng xã hội được truy cập nhiều thứ 2 khi một người dành trung bình 115 phút mỗi ngày trên nền tảng này. Đứng thứ 3 là hoạt động xem video trực tuyến. Có thể nói, điện thoại di động là phương tiện chiếm ưu thế tuyệt đối trong các hoạt động online chính.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, thiết bị di động được đánh giá là nền tảng quảng cáo tiềm năng. Thế nhưng, theo số liệu bà Thanh Mai trích dẫn, với tỷ lệ phản hồi là 10%, quảng cáo trên thiết bị di động chỉ đứng thứ 3 trong số các phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Trong khi đó, TV vẫn là phương tiện quảng cáo hữu hiệu nhất tại thị trường Việt Nam với tỷ lệ phản hồi đến 42%. Xếp thứ 2 là quảng cáo trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, điện thoại di động còn dẫn đầu trong số các thiết bị được dùng để kết nối Internet. Cụ thể, trong 256 phút bình quân người Việt Nam sử dụng Internet, thời gian truy cập bằng di động chiếm 191 phút.
Nhìn chung, điện thoại di động đóng vai trò quan trọng trên nền tảng marketing. Tuy nhiên, bà Thanh Mai nhấn mạnh người dùng là yếu tố trọng tâm mà các nhà tiếp thị cần tập trung khai thác. Vì người dùng toàn chủ động trong việc quyết định xem hoặc bỏ qua quảng cáo trên nền tảng trực tuyến. Thế nên, muốn truyền thông hiệu quả qua thiết bị di động, phương thức truyền tải cũng như nội dung đòi hỏi tính sáng tạo để hấp dẫn người dùng.
Phần 2: Các xu hướng tiếp thị di động đáng chú ý
Tiếp nối phần trình bày của đại diện từ Kantar Media, bà Lương Xuân Mai – Head of Strategic Planning của Adtima đề cập đến 3 xu hướng tiếp thị di động cùng một vài case-study nổi bật.
AI hỗ trợ tăng cường mức độ tương tác của thương hiệu với khách hàng
AI hay trí tuệ nhân tạo là xu hướng đầu tiên có đóng góp quan trọng trong triển khai marketing. Bà nhận định rằng AI có thể hỗ trợ thương hiệu xuyên suốt hành trình mua sắm của khách hàng từ bắt đầu tiếp cận đến chăm sóc sau khi mua. Cụ thể, với AI, thương hiệu có thể định vị người tiêu dùng mục tiêu và tiếp cận họ trên quảng cáo programmatic và retargeting. Sau khi xác định được nhóm khách hàng tiềm năng, thương hiệu tiếp cận lại họ bằng các quảng cáo cá nhân hoá nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi. Đối với những khách trung thành hoặc đã mua hàng, AI được ứng dụng cho bước chăm sóc khách hàng với khả năng tự động hoá thông qua chat bot hay email marketing. Đây là một quá trình diễn ra liên tục cùng mức độ cá nhân hoá tối ưu.
Quy chung, việc ứng dụng AI vào marketing và sales giúp thương hiệu truyền thông đúng người, đúng thời điểm. Hơn nữa, kênh truyền tải cũng như nội dung tương thích hơn với hành vi, thói quen… của người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu có thể đạt mục tiêu kinh doanh, tăng hiệu quả truyền thông và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bà Xuân Mai cung cấp case-study thú vị về chiến dịch Infection Alert System của Lifebouy. Mục tiêu của chiến dịch là dự đoán được dịch bệnh nào có nguy cơ bùng phát tại một thời điểm, tỉnh thành cụ thể để thương hiệu có thể tuỳ chỉnh thông điệp liên quan và truyền tải đến người dân. Bài toán khó đã được giải bằng mô hình thống kê học với sự trợ giúp hữu ích của AI. Sau cùng, thông qua công cụ quảng cáo của Google, Lifebouy truyền đạt nội dung phù hợp đến từng địa phương để nâng cao cảnh giác và phòng ngừa bệnh tật.
“Âm thanh trở thành điểm chạm quan trọng”
Đó là chia sẻ của bà Xuân Mai khi đề cập đến xu hướng thứ 2 – Digital Audio. Loại hình này có thể lấp đầy các khoảng trống mà quảng cáo hiển thị không chạm đến được người dùng. Chẳng hạn lúc người dùng đang thực hiện đa tác vụ, đa màn hình (multi-task và multi-screen) hay những khoảnh khắc không nhìn vào màn hình (screen-less moment). Tuy nhiên, thị trường Việt Nam còn khá e dè với loại hình quảng cáo này vì còn quen thuộc với radio truyền thống và gặp khó khăn về mặt đo lường.
Chính vì vậy, bà Mai đề ra 5 tiêu chí giúp xây dựng và truyền đạt thông điệp audio hiệu quả:
- Thứ nhất là tạo kết nối riêng tư. Truyền thông bằng audio đồng nghĩa thương hiệu đang bước vào không gian riêng tư của người nghe chẳng hạn như người dùng đang nghe nhạc, podcast… Thế nên, thông điệp có khả năng tác động trực tiếp vào tâm trí của thính giả. Vì vậy, bên cạnh danh tính, vị trí, thương hiệu cần chú trọng thu thập dữ liệu về nội dung người dùng nghe trước và sau thông điệp. Nhờ đó, thương hiệu có thể tạo nên trải nghiệm nghe phù hợp, và hấp dẫn.
- Thứ hai, thông điệp cần rõ ràng, ngắn gọn, được duy trì với tốc độ và nhịp độ phù hợp.
- Thứ ba, thông điệp cần hàm chứa lý do để khách hàng tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ (reason to believe) và kêu gọi hành động (call to action).
- Thứ tư, thương hiệu cần sử dụng hiệu ứng âm thanh bắt tai vì chúng có khả năng thu hút sự chú ý và “gây nghiện” cao.
- Cuối cùng, thông điệp truyền tải trên digital audio phải cộng hưởng với thông điệp chung trên các nền tảng khác. Điều này mang lại hiệu ứng hình ảnh cho nhãn hàng.
Kết nối Online – Offline: Tạo kết nối liền mạch
Xu hướng thứ 3, bà Xuân Mai đã nhấn mạnh sự chuyển dịch nhanh chóng và mạnh mẽ từ cửa hàng offline sang omnichannel của ngành bán lẻ. Khi đó, mọi điểm chạm đều trở thành nơi mua hàng. Nhiệm vụ của các nhà tiếp thị hiện nay là duy trì tương tác, đảm bảo mức độ hiện diện của thương hiệu với người tiêu dùng. Với viễn cảnh này, có thể nói thiết bị di động là giải pháp hữu hiệu bởi khả năng luôn kết nối mọi bước trên hành trình người dùng.
Ví dụ, Big C hợp tác với Zalo tạo các tài khoản (official account) tương ứng từng chi nhánh gần nhất mà người dùng có thể lựa chọn và theo dõi. Thông qua đó, những thông tin khuyến mãi sẽ được cập nhật liên tục. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể truy cập, chọn mua và sau khi thanh toán, món hàng sẽ được vận chuyển tận nơi.
Trong phần trao đổi với người tham gia webinar, bà Xuân Mai dự đoán ví điện tử (mobile wallet) và trợ lý ảo (virtual assisstant) là 2 xu hướng tiếp thị di động trong năm 2021. Trước tác động của đại dịch, 2 ứng dụng này dần thay đổi thói quen của người dùng, và trở thành một trong những công cụ thiết yếu trong đời sống. Ngoài ra, omnichannel là xu hướng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì mô hình này giúp thương hiệu kết nối với người tiêu dùng tại mọi điểm chạm. Đồng thời, để triển khai omnichannel hiệu quả, thương hiệu cần chú trọng phối hợp, kết nối 3 yếu tố Con người, Dữ liệu và Công nghệ.