Chia sẻ trong một talkshow trên VnExpress, ông Võ Quan Huy, CEO Huy Long An – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản cho biết: “Giai đoạn tháng 6-7, mọi thứ khó lường đến mức kinh nghiệm bao năm lăn lộn thương trường không giúp tôi đánh giá được xu hướng tiếp theo của thị trường”. Trong nhiều nguyên nhân, theo vị này, ảnh hưởng Covid-19 gần như làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam không đứng ngoài sự khó khăn này.
Không riêng doanh nghiệp ông Huy, nhiều chuyên gia nhận định mọi công ty vận hành trong nền kinh tế toàn cầu đang bước sang thời kỳ mà mọi biến số đều không thể dự báo.
Theo Gartner, các doanh nghiệp phải đối diện với nhiều yếu tố bất định như: dịch bệnh khi nào sẽ kết thúc; nền quốc gia sẽ phục hồi nhanh chóng hay vẫn chìm trong khủng hoảng; cơ cấu vốn ra sao; chuỗi cung ứng toàn cầu liệu có giữ nguyên trạng thái như trước, hay sẽ chuyển sang xu hướng nội địa hóa nguồn cung; giá cả hàng hóa sẽ tăng trở lại với tốc độ bình ổn hoặc sụt giảm bấp bênh; kiến trúc công nghệ thông tin và các chiến lược số hóa liệu có những thay đổi gì sau đại dịch…
Giữa nhiều biến số, giới chuyên gia khẳng định hành vi, sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi. “Việt Nam đã thành công vượt qua làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, niềm tin tiêu dùng trở nên suy yếu vì những tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như triển vọng tương lai của nhiều người”, bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định.
Theo công bố của Nielsen hồi tháng 8, người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu thế giới trong xu hướng tiết kiệm. Quý II vừa qua, với mức độ tăng nhẹ (69% đến 72%), Việt Nam vượt lên vị trí đứng đầu khi có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, theo sau là Hong Kong (68%) và Singapore (65%).
Trong và sau đại dịch, ba xu hướng dễ thấy nhất từ người tiêu dùng, đó là giảm sức mua do bất ổn về tâm lý, tăng tỷ lệ sử dụng các kênh mua hàng online, mua bán “không chạm”. Mọi người chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo hãng tư vấn Accenture, tỷ lệ mua hàng trên mạng xã hội của người dùng toàn cầu tăng gấp đôi, từ 44% lên đến 80% sau khủng hoảng. Việc ứng dụng các hình thức thanh toán trực tuyến và đặt hàng qua ứng dụng đặc biệt được ưa chuộng, tăng từ 54% đến 87%.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt cần hoàn thành mục tiêu kép, vừa phải thích ứng các xu hướng mới của thị trường, vừa phải đảm bảo doanh thu, lợi nhuận để phục hồi và phát triển mạnh hơn sau khủng hoảng. Muốn vậy, một trong những vấn đề quan trọng là phải đầu tư cho hoạt động thúc đẩy bán hàng.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng các doanh nghiệp Việt cần áp dụng nhiều giải pháp cấp bách, bao gồm: đẩy mạnh chuyển đổi số trong bán hàng, định giá và tài chính linh hoạt; kết nối cá nhân và đồng cảm với khách hàng; đồng thời xây dựng đội ngũ và vận hành kinh doanh linh hoạt, hiệu quả…
Bên cạnh đó, lãnh đạo tập đoàn công nghệ cũng đề xuất đi tìm 5 nhóm nhiệm vụ để nâng cấp hoạt động bán hàng. Những giải pháp này phải mang tính tức thời, thực tiễn và bám sát vào nhu cầu “nóng” của doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thử thách hiện tại.
Đây cũng là một trong những nội dung sẽ được ông Trương Gia Bình đề cập tại sự kiện “Bán hàng thời Covid-19”, trong khuôn khổ diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” do FPT tổ chức. Sự kiện diễn ra lúc 14h30 ngày 29/10, tại Làng phần mềm FPT Ftown 3, Khu CNC quận 9, TP HCM; Làng phần mềm FPT Fville 2, Khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội và qua hệ thống trực tuyến.
Tại đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ phân tích các xu hướng mới của khách hàng, các kênh bán hàng hoặc phân phối mới và những chuyển dịch thị trường, từ đó hoạch định chính xác trong tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường, đưa doanh nghiệp bứt phá.
Nguồn: vnexpress