Trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022 – 2023.
Trong báo cáo chiến lược được công bố mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research đánh giá dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy sự cải thiện đáng kể của nền kinh tế trên hầu hết các lĩnh vực, và Việt Nam dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh. Nhu cầu từ thị trường quốc tế duy trì là động lực chính cho tăng trưởng và giúp hoạt động sản xuất khả quan, trong khi tiêu dùng nội địa cũng cho thấy mức độ phục hồi so với tháng trước.
“Mô hình phục hồi hiện tại đang nghiêng nhiều về hình chữ U, đặc biệt là ở TP.HCM khi chúng tôi quan sát thấy dữ liệu sản xuất công nghiệp và bán lẻ vẫn chưa hồi phục về mức trước đợt bùng phát lần thứ 4”, SSI Research nhận định.
Hoạt động sản xuất công nghiệp nhanh chóng quay lại trạng thái “bình thường mới” khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ trên toàn quốc. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong tháng 11 sau 4 tháng suy giảm liên tiếp. SSI Research đánh giá đây là tín hiệu đáng khích lệ khi mức nền cùng kỳ năm 2020 tương đối cao. Điểm trừ trong số liệu IIP tháng 11 là dữ liệu sản xuất công nghiệp tại TP.HCM chưa cho thấy sự hồi phục rõ ràng. IIP tháng 11 tại TP.HCM vẫn suy giảm 23% so với cùng kỳ, với sản lượng sản phẩm công nghiệp chính như giày dép hay tivi vẫn chỉ tương đương một nửa so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 11 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục mạnh trở lại. Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử (29,9 tỉ USD), bật tăng 18,5% so với cùng kỳ (tháng 10 tăng 6,1%) nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn. Cán cân thương mại cũng có bước chuyển ngoạn mục từ nhập siêu 2,5 tỉ USD trong 9 tháng sang xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng.
Tâm lý người tiêu dùng phần nào cải thiện và các hoạt động dịch vụ đang từng bước được nới lỏng hơn, giúp doanh thu bán lẻ và dịch vụ tích cực hơn trong tháng 11. Doanh thu bán lẻ trong tháng 11 tăng 5,2% và các hoạt động dịch vụ khác tăng 12,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, mô hình hồi phục đang nghiêng nhiều về hình chữ U trong nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ khi tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mặc dù TP.HCM đã nới lỏng khá nhiều các hoạt động dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, rạp chiếu phim.
Lạm phát ở mức thấp và tỉ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng trong tháng 11. Lạm phát bình quân duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, khi chỉ tăng 1,84% trong 11 tháng đầu năm. Đồng VND cũng tăng giá mạnh trong năm, tăng 1,6% so với đầu năm, do Ngân hàng Nhà nước chuyển sang cách tiếp cận linh hoạt hơn trên thị trường ngoại hối giúp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, đầu tư công trong tháng 11 có sự cải thiện so với tháng trước khi ước tính tăng 39.700 tỉ đồng, tăng 56% so với tháng trước. Tuy nhiên, luỹ kế 11 tháng, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước đạt 294.600 tỉ đồng, đạt 63,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn tương đối nhiều so với cùng kỳ (336.000 tỉ đồng). Như vậy, việc giải ngân đầu tư công có thể đạt được ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng trong 2 tháng còn lại là không mấy khả quan, và nhiều khả năng sẽ được chuyển nguồn để giải ngân trong năm 2022. Theo SSI Research, điểm tích cực cho cân đối ngân sách sử dụng cho chính sách tài khoá trong giai đoạn tới là cán cân ngân sách vẫn ở mức thặng dư 120.000 tỉ đồng tính đến tháng 11, nhờ nguồn thu ngân sách tăng trưởng tốt, đạt 1,39 triệu tỉ đồng, bằng 103,4% kế hoạch năm 2021 (+8,9% so với cùng kỳ).
SSI Research cho rằng trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022 – 2023. Mặc dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã cho thấy tín hiệu tích cực trong tháng 11, nhưng mức độ phục hồi từ khu vực dịch vụ của TP.HCM (ước tính chiếm khoảng 13% GDP cả nước) thấp hơn kỳ vọng và do vậy sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP trong quý IV. Bên cạnh đó, rủi ro trong tháng 12 sẽ nghiêng về đợt bùng phát dịch lần thứ 5, hoặc sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron sẽ khiến tâm lý tiêu dùng suy yếu.
Nhật Lệ
Nguồn: brandsvietnam