“Hai bên nên giữ nguyên trải nghiệm khách hàng tại các cửa hàng Phúc Long và chỉ đẩy các sản phẩm đóng gói vào chuỗi VinMart+. Như vậy, doanh nghiệp có thêm độ phủ nhưng không bị lẫn và loãng về hình ảnh”, một chuyên gia ngành F&B nhận định.
Masan công bố mua 20% vốn Phúc Long
Ngày 24/5, Công ty TNHH The Sherpa – thành viên của Tập đoàn Masan, thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long với giá 15 triệu USD. Sau khi thương vụ hoàn tất, VinCommerce cùng với Phúc Long triển khai mô hình kiosk tại các cửa hàng VinMart+. Hiện 2 bên đã thử nghiệm mở 4 kiosk Phúc Long trong VinMart+ tại thành phố Thủ Đức và dự định mở 1000 kiosk tương tự trong vòng 18-24 tháng tiếp theo.
Sự cộng hưởng sức mạnh của 2 thương hiệu Việt
Masan: Hoàn thiện mảnh ghép của chiến lược Point of Life
Theo Vietnamnet, Phúc Long là mảnh ghép cần có trong nền tảng Point of Life của Masan. Có thể nói, Masan là thương hiệu đình đám trên thị trường M&A khi liên tục mở rộng hệ sinh thái qua các thương vụ mua bán – sáp nhập. Chẳng hạn, Vinacafé Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Bia Sư Tử Trắng, Hệ thống bán lẻ VinCommerce, hay Hãng sản xuất bột giặt NET… Với bước đi tương tự, Masan bắt tay cùng Phúc Long để dần hoàn thiện các mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life.
Báo Vietnam Mới trích dẫn 4 yếu tố chính giúp Masan mở rộng quy mô doanh nghiệp mà ban lãnh đạo thấy được ở Phúc Long.
- Thứ nhất, Phúc Long là một trong những hãng đứng đầu thị trường bán lẻ các sản phẩm truyền thống được đổi mới từ trà và cà phê.
- Thứ hai, Phúc Long là một trong các thương hiệu bình dân được người tiêu dùng tin tưởng, đặc biệt là phân khúc trẻ.
- Thứ ba, Phúc Long hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng dồi dào tại thị trường miền Bắc.
- Cuối cùng, Masan khai thác lợi thế của mô hình tích hợp giữa Phúc Long và VinMart+. Bởi dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.
Trong khi đó, trang Nhịp sống kinh tế nhấn mạnh công cuộc trẻ hoá thương hiệu của VinMart+. Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết “sẽ biến chuỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam”. Ở đây “mọi lứa tuổi” là từ khoá quan trọng trong chiến lược của VinCommerce trong thời gian tới. Xưa nay, chuỗi bán lẻ chỉ tập trung vào bán sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với hộ gia đình. Thế nên, việc kết hợp với Phúc Long – một trong những thương hiệu đồ uống ưa thích của giới trẻ, giúp VinMart+ tiếp cận dễ dàng hơn đến nhóm đối tượng khách hàng này.
Phúc Long: Thoát khỏi cảnh doanh thu khủng nhưng lợi nhuận bèo bọt
Theo số liệu thu thập được bởi Vietnambiz, năm 2019, doanh thu của Phúc Long chỉ xếp sau Highlands Coffee (2.199 tỉ đồng) và ngang với Starbucks (783 tỉ đồng), The Coffee House (863 tỉ đồng).
Tuy doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại thấp do Phúc Long “cắn răng” thuê mặt bằng đẹp và đầu tư lớn cho những chiến dịch quảng cáo truyền thông. Điều này vô tình đẩy doanh nghiệp vào cảnh doanh thu khủng nhưng lợi nhuận bèo bọt. Chính vì thế, khi hợp tác với Masan, lợi ích trước hết mà Phúc Long nhận được là hệ thống cửa hàng và tập khách hàng khổng lồ đến từ chuỗi VinMart+ cùng hàng nghìn điểm bán mới với mặt bằng đẹp.
Trang Vietnamnet tổng hợp được tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). Thêm vào đó, lĩnh vực F&B đang trong giai đoạn cạnh tranh ngày một gay gắt. Vì vậy, khoản đầu tư của Masan sẽ là động lực để Phúc Long bứt phá tạo đột biến so với giai đoạn phát triển trước đây.
Còn trang Lao Động Trẻ nhận định rằng trong thị trường F&B, mặt bằng kinh doanh là một trong những yếu tố then chốt. Việc bắt tay với Masan sẽ giúp Phúc Long nhanh chóng mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng tại những vị trí đắc địa, đông dân cư thông qua mạng lưới VinMart+ trên toàn quốc. Lợi thế về điểm bán sẽ giúp Phúc Long nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng độ phủ sóng thương hiệu mà không cầu đầu tư nhiều chi phí vận hành.
Nhận định trái chiều giữa các chuyên gia
Trước công bố triển khai mô hình kiosk của 2 thương hiệu, ông Hoàng Tùng – CEO Pizza Home, chia sẻ với ZingNews: “Mô hình kiosk có thể ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của Phúc Long, vốn được đánh giá thuộc phân khúc khá cao trên thị trường. Hai ‘ông lớn’ này nên giữ nguyên trải nghiệm khách hàng tại các cửa hàng Phúc Long và chỉ đẩy các sản phẩm đóng gói vào chuỗi VinMart+. Như vậy, doanh nghiệp có thêm độ phủ nhưng không bị lẫn và loãng về hình ảnh”.
Trái lại, ông Trần Bằng Việt – CEO Đông A Solutions khuyến khích việc thúc đẩy mô hình kiosk mới mẻ này: “Hiện nay, với nhóm cà phê cung cấp không gian trải nghiệm hạng trung trở lên thì đã có tới 60-70% tổng chi phí dành cho mặt bằng và nhân công. Những chi phí này không mang lại hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp, nếu loại bỏ thì khách hàng sẽ được mua sản phẩm rẻ hơn, còn doanh nghiệp lại vừa có hiệu quả cao hơn, vừa giảm phụ thuộc vào các yếu tố khác. Mấu chốt ở chỗ Masan và Phúc Long sẽ tổ chức hiện thực hoá mô hình kiosk như thế nào”.
Ngoài ra, ông Tùng bày tỏ kỳ vọng sau khi kết hợp với Masan, Phúc Long sẽ trở thành thương hiệu lớn trong cả lĩnh vực kinh doanh chuỗi đồ uống và bán sản phẩm đóng gói. Ông nhấn mạnh thêm: “Phía bất lợi tương đối sau thương vụ này sẽ là những thương hiệu khác đang cùng đứng top thị trường. Họ sẽ phải đối mặt với một đối thủ vừa có sản phẩm tốt, thương hiệu uy tín, hệ thống phân phối mạnh vừa có nguồn lực tài chính hùng hậu”.
Trong khi đó, ông Việt khẳng định việc Masan vừa sở hữu Vinacafé, vừa có thêm Phúc Long sẽ giúp doanh nghiệp nắm trọn cả 2 phân khúc thị trường. Cụ thể, ông nói: “Masan sẽ trổi dậy trong làng cà phê với nhiều nước đi thú vị. Tôi cho rằng thương vụ này sẽ định hình lại thị trường trà và cà phê Việt Nam. Nơi đây không còn phù hợp cho những tay chơi nhỏ mà phải là các ông lớn với tư duy hoàn toàn mới. Những gì Masan làm được với ngành nước mắm sẽ hoàn toàn có thể được lặp lại trong ngành cà phê”.
Nguồn: brandsvietnam