Các lệnh giãn cách trong dịch bệnh như kìm nén sức bật của chiếc lò xo thương mại điện tử (e-Commerce).
“Sử dụng smartphone để mua bán trực tuyến đã không còn là hoạt động dành riêng cho người trẻ ở TP.HCM, các bà nội trợ lớn tuổi cũng đã quen với việc này”, bà Ngọc Anh (63 tuổi) ngụ quận Phú Nhuận cho biết. Trong thời gian giãn cách, bà vẫn lên mạng Zalo hay Facebook để đặt thực phẩm cho gia đình.
Những bà nội trợ lần đầu online
Trong khi đó, bà Trúc, 50 tuổi, vốn là tiểu thương ở chợ Nguyễn Đình Chiểu, cho biết kể từ khi chợ ngừng hoạt động, bà đã “mở” sạp kinh doanh trên các phương tiện truyền thông xã hội. Sau khi đơn hàng được “chốt” theo giá cả và phí giao hàng được báo trước, bà sẽ đặt các ứng dụng giao nhận để gửi cho khách. “Khách mình ở đâu thì phải theo đấy thôi. Không biết làm cũng phải tập làm”, bà Trúc nói.
Những bà nội trợ hay tiểu thương như bà Anh và bà Trúc đang góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại điện tử tại Việt Nam bùng phát mạnh mẽ hơn. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh cùng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt khiến cả cộng đồng dường như kết nối với nhau hoàn toàn qua các nền tảng internet. Qua đó, lần đầu tiên, nhiều người trở thành khách hàng của hệ sinh thái online được bao phủ bởi hàng chục công ty thương mại điện tử đang chạy đua đốt hàng ngàn tỉ đồng để giành tập khách hàng tiềm năng.
Theo báo cáo “Xu hướng di chuyển của cộng đồng trong đại dịch COVID-19” của Google, tính đến ngày 4/9, tỉ lệ di chuyển ở các điểm bán lẻ, nơi làm việc, bến xe, hay siêu thị, nhà thuốc giảm hơn 80% so với đường cơ sở (giá trị trung bình, cho ngày tương ứng trong tuần, trong khoảng thời gian 5 tuần, từ ngày 3/1 đến 6/2/2020).
Không phủ nhận các lệnh giãn cách làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thương thông thường, nhưng nó cũng chính là chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động mua bán trực tuyến. “Số cửa hàng đăng ký liên quan đến thực phẩm thiết yếu đã tăng đến 233% ở TP.HCM và 63% so với trước dịch”, ông Phan Tường Bách, Giám đốc Vận hành AhaMove, cho biết. Theo Statista, mức độ thâm nhập thương mại điện tử của người dùng ở Việt Nam sẽ tăng từ 52,7% vào năm 2021 và dự kiến đạt 70,1% vào năm 2025.
Ở Việt Nam, theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, doanh thu thương mại điện tử B2C cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỉ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỉ USD và năm 2020 là 11,8 tỉ USD, tăng trưởng 18% so với năm trước.
Đáng chú ý, quy mô và sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đang đặt ra luật chơi cho những cách tiếp cận mới trong thị trường bán lẻ. Chỉ mấy tháng trước, thị trường bán lẻ dậy sóng bởi thương vụ Alibaba và đối tác đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX (công ty con của Masan) để tăng tốc việc chuyển đổi số. Ông Kenny Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư của Alibaba tại khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: “Sự kết hợp giữa chuyên môn bán lẻ trực tuyến của Alibaba thông qua nền tảng thương mại trực tuyến Lazada ở Việt Nam và mạng lưới ngoại tuyến (offline) của Masan sẽ tạo ra lợi thế mạnh trong quá trình hiện đại hoá ngành bán lẻ Việt Nam”.
Hay kỳ lân MoMo bắt tay với Sendo để trở thành kênh thanh toán chính thức của một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo: “Hợp tác với Sendo là một phần trong nỗ lực của MoMo nhằm mở rộng hệ sinh thái, kết nối với những siêu thị, sàn thương mại điện tử lớn nhất cả nước”. Số lượng người dùng đăng ký ứng dụng MoMo đã tăng gấp đôi lên 23 triệu trong năm ngoái và dự đoán sẽ có 50 triệu người đăng ký trong 2 năm tới.
Chuyển đổi số đã diễn ra trên quy mô lớn với sự tham gia từ các doanh nghiệp trên sàn đến các tiểu thương chợ truyền thống – khu vực mà hơn 5 năm qua, thương mại điện tử vẫn chưa thể tiếp cận được. Tốc độ chuyển đổi số nhanh, một phần vì dịch bệnh, một phần do sự sẵn sàng của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp trên thị trường. Điển hình như KiotViet vừa nhận khoản đầu tư 45 triệu USD để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi số, kết nối B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) để khách hàng có thể chủ động trong việc tìm nhà phân phối trong bối cảnh hiện nay.
Thậm chí, Haravan còn đưa cả dịch vụ chuyển đổi mô hình kinh doanh cho khách hàng. Công ty đã hỗ trợ khoảng 50 khách hàng bán lẻ thời trang, công nghệ… có nhu cầu chuyển đổi sang kinh doanh thực phẩm thiết yếu. Haravan đang hỗ trợ việc chuyển đổi trong 48-72 giờ nhờ vào kinh nghiệm cung cấp phần mềm quản lý cho các doanh nghiệp chuyên cung cấp nhu yếu phẩm như Aeon, Ân Nam Market, L’angfarm…
Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc Điều hành Haravan, cho biết, Công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ này từ đầu tháng 7 cho các đối tượng là nhà hàng, cửa hàng kinh doanh truyền thống; xưởng sản xuất muốn kinh doanh trực tiếp đến người dùng; nhà hàng, quán ăn… “Khi thị trường bình thường trở lại, Haravan sẽ hỗ trợ quay trở lại mô hình cũ với thời gian tương tự”, ông Hồ nói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thiết Bảo, Giám đốc Điều hành TATMart, xu hướng mua hàng không tiếp xúc, giao hàng không tiếp xúc và thanh toán online bằng di động sẽ tiếp tục phổ biến. Báo cáo của Harvard Business Review gần đây cho thấy có 73% người dùng sử dụng nhiều hơn một kênh bán hàng để tiếp cận hàng hoá và có 75% số người dùng kỳ vọng một trải nghiệm đồng nhất giữa các kênh mua hàng này.
Điều đó sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp bán lẻ sở hữu cửa hàng offline hiện tại phải chuyển đổi không chỉ sang mô hình bán hàng online mà sang hẳn mô hình bán hàng đa kênh (Omnichannel). Mô hình kinh doanh này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và chỉ được chú trọng nhiều từ năm 2016 trở đi. “Mọi thứ sẽ không bao giờ trở về như trước khi dịch bệnh xảy ra”, ông Lê Thiết Bảo nói.
Thực tế, trên diện rộng, dịch bệnh đã tạo cú hích mạnh cho thương mại điện tử toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của Facebook hồi cuối tháng 6/2021 cho thấy mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch. Theo đó, 81% người tiêu dùng nói rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi đại dịch bùng phát, 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục hành vi mới này dài hạn cả trong tương lai, dù còn dịch bệnh hay không.
Không thể quay lại, e-Commerce thẳng tiến
Một điều dễ nhận thấy là việc hạn chế tiếp xúc và đi lại do dịch bệnh khiến người tiêu dùng đã chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp qua các kênh online. Con số tăng trưởng của ví điện tử cũng phần nào cho thấy sự thay đổi rõ nét này. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng đầu năm 2021, có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77.700 tỉ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng tham gia mảng dịch vụ này. Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng thừa nhận: “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết, Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái công nghệ trong thương mại điện tử, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, linh hoạt theo quy mô doanh nghiệp để từ đó thúc đẩy chuyển đổi số dễ dàng và thực tế hơn.
Đã đến lúc doanh nghiệp phải tính đến mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong môi trường bị đổi bởi dịch bệnh… Chậm xây dựng quy trình sản xuất an toàn, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt và các nền tảng trực tuyến là hướng đi sống còn của nhiều doanh nghiệp. Ngành thương mại điện tử đang ngày càng mang lại nhiều động lực cho sự phục hồi kinh tế, vốn chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Lazada, có tới 52% người bán hàng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021, trong khi 70% kỳ vọng rằng mức tăng doanh thu sẽ tiếp tục được nâng lên thêm 10% trong quý III/2021. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc Top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hoá và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả hơn.
Mặc dù tốc độ thâm nhập thương mại điện tử rất nhanh nhưng mặt trái là điều đó đang dồn áp lực lên hệ thống giao nhận, vốn đang bị ảnh hưởng hoạt động rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đại diện của AhaMove, hiện hiệu suất hoạt động tại các vùng đỏ không cao bằng các vùng xanh. Việc giới hạn giao hàng nội quận cũng là một hạn chế cho các ứng dụng giao hàng công nghệ. “Trước giãn cách, khoảng 70% đơn hàng chủ yếu là nhu cầu giao hàng liên quận. Vì thế, nếu chỉ chạy nội quận thì có khả năng chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng tài xế ngồi chơi nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý”, ông Tường Bách cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo của TATMart nhận định, rất khó tìm được một giải pháp toàn diện cho ngành thương mại điện tử khi shipper bị hạn chế di chuyển như hiện tại. Nhìn sự lúng túng của các công ty lớn trong ngành như Tiki, Shopee, Lazada trong thời gian vừa qua cho thấy, công nghệ đóng góp giải pháp rất nhỏ trước sự thay đổi quá nhanh của dịch bệnh.
Thương mại điện tử phải dựa hoàn toàn vào chuỗi cung ứng “vật lý” để hàng hoá thực tế từ kho của người bán đến được tay người tiêu dùng. Trong đó, shipper đóng vai trò là người hoàn thành chặng cuối trong chuỗi giá trị này.
Dịch bệnh COVID-19 bộc lộ nhiều điểm yếu của ngành thương mại điện tử không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Rất nhiều nơi trên thế giới cũng xảy ra việc “đóng cửa biên giới” dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải pháp tốt nhất vào lúc này là phải tháo gỡ lo lắng của Chính phủ về việc các shipper với sự di chuyển và tiếp xúc rộng của mình đồng thời cũng là tác nhân truyền bệnh trên diện rộng. Tiêm vaccine cho shipper và thực hiện các giải pháp giao hàng không tiếp xúc đã được đẩy mạnh trong thời gian qua. Thực tế đã chứng minh, rất khó để thay thế chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hoá tới hơn 10 triệu người ở TP.HCM.
Ông Tường Bách cho biết AhaMove đã phân bố lại nguồn lực và dịch vụ để cân bằng hoạt động và đảm bảo an sinh cùng thành phố. Với các shipper hoạt động ở vùng đỏ, AhaMove sẽ hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí. Công ty có 15.000 tài xế và cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ tiêm vaccine 2 mũi. Ngoài ra, các giải pháp như giao bằng xe tải nhỏ nội thành, giao hàng gộp đơn, giao sỉ cũng đã và đang được triển khai thời gian qua và đang được nhiều khách hàng hưởng ứng để đại diện đặt hàng cho khu phố, chung cư.
“Có thể thấy, chủng Delta thực sự rất mạnh, chúng tôi cho rằng dịch bệnh sẽ rất khó có thể trở về 0 ca nhiễm, nên trong khi chờ người dân được tiêm chủng đầy đủ, chúng ta cần làm nhiều việc để tiến tới vừa đảm bảo số ca nhiễm thấp nhất, có lộ trình mở cửa dần để sản xuất và cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng”, ông Tường Bách nói.
Tương tự, Grab Việt Nam đã phối hợp với thành phố Thủ Đức triển khai chương trình hỗ trợ mua hàng hoá thiết yếu. Thời gian đầu triển khai, người dân có thể đặt trước đơn hàng theo gói combo có sẵn của các siêu thị, cửa hàng trên GrabMart và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giảm thời gian tiếp xúc. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, cho biết ứng dụng công nghệ không chỉ giúp duy trì chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân mà còn giảm thiểu đến mức tối đa công sức của lực lượng tuyến đầu chống dịch để họ tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách khác.
“Cần chấp nhận sự thay đổi luôn xảy ra và không thể cưỡng lại để mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể chấp nhận làm việc tại nhà, hoặc sống tại nhà máy và tương tác ảo trong công việc và cuộc sống như một giải pháp sẵn sàng, không chỉ vài tháng mà có thể nhiều năm. Tạo môi trường thuận lợi để người dùng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch thương mại điện tử trong mọi lĩnh vực của công việc và cuộc sống”, ông Nguyễn Bình Minh, đại diện VECOM, nhận định.
Nguồn: brandsvietnam